Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Trước khi đọc "Hãy chăm sóc mẹ" tôi cũng như những đứa con trong cuốn sách này, chưa bao giờ có thể nghĩ được rằng một ngày kia mẹ mình sẽ đi lạc. Bởi với tôi, mẹ luôn là người chăm sóc lo toan cho tất cả các thành viên khác trong gia đình, mẹ luôn có những cách đặc biệt để không ai phải lo lắng cho mình. Tôi tin rằng, sau khi đọc cuốn sách này, bạn cũng sẽ như tôi, sẽ rơi lệ khi chứng kiến cuộc hành trình xuôi ngược tìm mẹ trong câu chuyện ấy. Để thấy rằng có mẹ là điều tuyệt vời nhất trên thế gian này.

 "Hãy chăm sóc mẹ" để lại ấn tượng cho tôi về hình ảnh một người mẹ tưởng chừng bình thường như bao người mẹ khác nhưng cũng rất phi thường. Bởi lẽ người mẹ ấy đã dành cả đời mình hy sinh vì con, sống vì ước mơ của con, chịu đựng tất cả để dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Hình ảnh mẹ hiện lên trong những dòng ký ức của người chồng, của những đứa con, không xuất chúng, không tài giỏi, không quyền lực nhưng lại đẹp đến lạ lùng. Đối với những đứa con của mình, mẹ là một người luôn quanh quẩn trong gian bếp "mẹ là bếp và bếp là mẹ", mẹ luôn tay luôn chân với những công việc đồng áng, dường như bà mẹ ấy chẳng bao giờ biết mệt nhọc với công việc LÀM MẸ của mình. Đối với những đứa con, mẹ yêu thương chúng bằng tất cả những gì bà có. Thật tiếc là tới khi bà mất tích, những đứa con ấy mới nhận ra rằng bà mẹ bình thường của mình hàng ngày thật phi thường biết bao:

 "Em biết một điều. Em không thể làm được như mẹ. Cho dù em có muốn đi chăng nữa. Mỗi khi cho con ăn, em rất hay nổi cáu. Em cảm thấy gánh nặng, em cảm giác như con cái níu chân mình. Em yêu các con lắm, nhiều lúc em cảm động ứa nước mắt khi nghĩ không biết có thật mình đã sinh ra chúng không, thế nhưng em không thể trao cả cuộc đời mình cho con cái giống như mẹ đã làm được. Trong từng hoàn cảnh, em luôn làm hết sức vì các con, thậm chí em còn có thể hiến dâng cho chúng đôi mắt của chính mình nếu chúng cần, nhưng em vẫn không phải là mẹ."

 Ở một góc nhìn khác, bà mẹ ấy hiện lên cũng đáng yêu và đáng cảm phục. Bà có những ước mơ của riêng mình, bà cũng lãng mạn, cũng có những giây phút tức giận đến mức đập bể những chiếc nắp chum mà hàng ngày bà thường nâng niu, và hơn nữa bà cũng có những lúc bệnh tật, đau ốm, chẳng còn được như thời trẻ. Ấy vậy mà bà vẫn chẳng bao giờ muốn thừa nhận điều đó. Bởi vì điều đó với bà thật "trẻ con". Một bà mẹ luôn cố gắng tỏ ra rằng mình ổn, mình không thể bị ốm đau và giấu cả chuyện mình không biết chữ. Bà làm thế bởi bà không muốn trở thành gánh nặng cho các con, cho chồng. Bà vẫn chăm sóc chồng khi ông ốm nhưng ông lại không biết rằng trong khi đó bà cũng đang phải một mình chống lại những cơn đau đầu tới lịm người. Là bà cố tình giấu ông hay vì ông quá vô tâm? Những đứa con của bà cũng chẳng dám thừa nhận rằng ở bà đã có những dấu hiệu của tuổi già, rằng mẹ chúng giờ chẳng còn minh mẫn. Là chúng quá vô tâm hay vì chúng đã quá quen với hình ảnh một người thường “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Vậy đấy, chúng ta thường mặc định mẹ sinh ra đã là một người mẹ, bởi vậy mẹ sẽ làm tốt những việc của một bà mẹ là quan tâm chăm sóc những thành viên trong gia đình. Nhưng ta lại quên đi rằng, mẹ có thể bị lạc lắm chứ. Mẹ cũng có lúc không còn được minh mẫn, chẳng thể nhớ được nhà của bất cứ đứa con nào, mẹ cũng cần được quan tâm chăm sóc, mẹ cũng cần được hỏi han...

 Khi theo dõi cuộc hành trình xuôi ngược để tìm lại mẹ, tôi đã hơn một lần ước rằng những đứa con này sẽ tìm thấy mẹ mình, để bà mẹ ấy có thể cảm nhận được tình yêu của họ dành cho bà nhiều đến mức nào. Nhưng lật giở đến trang cuối cùng, hành trình ấy vẫn chưa có hồi kết. Nó khiến tôi day dứt và buộc tôi phải suy ngẫm. Cuộc sống là thế, đôi khi nó không giống như một câu chuyện cổ tích và một cái kết có hậu không phải lúc nào cũng chờ đợi bạn ở cuối cuộc hành trình. Bằng cái kết đầy day dứt ấy tác giả Shin Kyung-sook đã đặt ra cho chúng ta - những người làm con những câu hỏi mà tôi biết ai cũng có câu trả lời cho riêng mình:
- Bạn đã bao giờ nói rằng bạn yêu mẹ chưa?
- Bạn đã bao giờ cảm ơn mẹ vì những việc bà đã làm cho bạn?
- Và bạn đã chăm sóc mẹ của mình như thế nào?


 Hãy yêu thương mẹ chừng nào bạn còn có thể yêu thương. Đừng để khi mẹ đã rời xa, bạn mới nhận ra rằng "CÓ MẸ" là điều hạnh phúc nhất của đời người:

 "Chị. Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ...
Chị, chị đừng bỏ rơi mẹ, hãy đi tìm mẹ chị nhé..."

                                              

HN 25/5/2016

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Dưới đây là lịch trình mình lên cho chuyến đi Malaysia 5 ngày 4 đêm vào tháng 4//2016. Về cơ bản mình theo đúng lịch trình này và không gặp vấn đề gì khó khăn về chuyện di chuyển. Mình xin post lại để các bạn có thể tham khảo!

Các điểm đến
Kuala Lumpur
Penang
Langkawi

Ngày 01
  • Di chuyển từ sân bay => KL Sentral: Đi skybus của airasia (thời gian khoảng 75 phút, tần suất 1h/chuyến) Vé 22RM cho 2ng đi tới KL Sentral khoảng 4PM.
  • Tại KL Sentral mua vé đi penang.
           +) Nhà xe Plusliner (đón tại Terminal Ktm Old Railway Station (KTM Berhad): xe chạy 23h59 vé 38.5RM. Tại KL sentral có phòng vé địa chỉ
Limora Travel Services Sdn Bhd Kaunter 9 & 10 Departure Hall Level 1 KL City Air Terminal KL Sentral Station Kuala Lumpur (Giờ k bán vé tại KL sentral nữa, phải ra điểm đón tại Terminal KTM Old Railway để mua vé)
  • Cách đi từ KL sentral => điểm mua vé: Bắt tàu KTM Komuter từ KL Sentral tới trạm Kuala Lumper xuống (Giá vé 1,2 RM/người). Xuống trạm Kuala Lumper đi bộ khoảng 200m là tới KTM Berhad. Có thể nhìn tháp nhà thờ hồi giáo gần đó để định hướng (nhà thờ đối diện với KTM Berhad).

  • Sau đó mua vé tàu LRT màu đỏ Kelana Jaya Line tới trạm KLCC-KJ10 (5 điểm dừng xuống đi bộ 220m tới tháp đôi petronas. Giá đi 2RM/người thời gian 10 phút.
  • Thăm xong tháp đôi bắt tàu LRT đi ngược lại Pasar seni đi bộ tiếp 200m thăm khu china tower (ngay gần pasar seni). Sau đó đi bộ 1.7km ngược lại KTM Berhad để đi penang. Địa chỉ lên xe: KTM COUNTER; KTM Counter Ting. 1. Block Annexe Selatan Bangunan Stesen Keretapi Jalan Sultan Hishamuddin 51621 Kuala Lumpur
  • Dư tính chi phí cho ngày 1 gồm cả chi phí đi tới penang: 150RM.
      
Ngày 2,3
  • Xe khách tới Penang sẽ đỗ tại điểm cuối là nhà ga Sungai Nibong trên đảo Penang.
  • Bắt xe bus 303 (Đi bộ ra đối diện Sungai Nibong Terminal B) vào George Town (mất 1 giờ di chuyển, phí 2RM/ng. Đi bus 303 sau 15 điểm dừng xuống ở Traders Hotel, Lebuh Lintang

Khám phá George Town
2.1 Penang Botanic Garden (Waterfall  Gardens)
Là một công viên cây xanh quy tụ nhiều loài cây to, lạ, được ví như lá phổi xanh của vùng Penang Metropolistant. Thích hợp cho người thích rừng rú, chim muông
  • Các điểm ấn tượng: Thác, vườn xương rồng, vườn lan
  • Open time: 5am - 8pm
  • Ticket: Free

2.2. Museum of Glass
Bảo tàng nghệ thuật trưng bày các sản phẩm sáng tạo từ kính: tranh kính màu, đồng hồ,tranh cát trên kính, các loại tranh kính nghệ thuật...Thích hợp cho những ai có tâm hồn yêu nghệ thuật
  • Các điểm ấn tượng: Tranh kính vô cùng lung linh sắc màu
  • Address:  Trên đường Jahan Mount Erskine

2.3. Wat Chayamangkalaram Thai
Còn được biết đến với tên gọi “Chùa Phật nằm” với  tượng Phật dài 33m - một trong những tượng Phật nằm dài nhất thế giới.
  • Open time: Từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn
  • Ticket: Free
  • Address: 17, Lorong Burma, 10250

2.4. Kek Lok Si Temple
Là ngôi chùa lớn nhất tại Malaysia, Kek Lok Si nằm trên một ngọn đồi hướng mặt ra biển. Từ đây có góc nhìn ấn tượng xuống George Town
  • Ấn tượng: View đẹp, không gian chùa chiền yên tĩnh, kiến trúc chùa Trung Quốc pha Thái Lan
  • Open time: 8.30am - 5.30pm
  • Ticket: RM 2
  • Address: 1000-L, Tingkat Lembah Ria 1, 11500 Ayer Itam
  • Rapid Penang Bus Route No: U201 / U203 / U204 / U206 / U502
  • Incline lift fee for Adults : RM 6 (2 ways)

2.5. Snack Temple
Là ngôi đền có một không hai trên thế giới. Tới đây có rất nhiều loại rắn vắt vẻo trên xà và các ngóc ngách của ngôi đền. Là điểm dừng trong chặng 8 của The Amazing Race mùa 16
  • Open hours: 6.00am - 7.00pm
  • Ticket: Free
  • Trong khuôn viên chùa còn có một trang trại rắn. Vé vào là 5 RM/người. Giờ mở cửa từ 6.00am - 6.00pm
  • Address: Jalan Sultan Azlan Shah, 11900 Bayan Lepas (cách sân bay Penang khoảng 2 km)

2.6. Street art (George Town)
Sẽ không khó bắt gặp những du khách tay cầm bản đồ hoặc điện thoại lần theo những bức tranh tường được đánh dấu sẵn. Ở những bức nổi tiếng, du khách sẽ phải xếp hàng thật lâu để tới lượt mình chụp hình lưu niệm. Thời gian thích hợp nhất để chụp ảnh là khoảng 16-17h.

Các điểm backup nếu thừa thời gian: Pháo đài Cornwallis và tháp đồng hồ, Đền thờ Phật Dhammikarama Burmese, Nhà thờ Hồi giáo Kapitan Keling, Nhà cổ Blue Mansion và và Peranakan Mansion (Giá vé 15RM) - Các địa điểm này đều ở trong khu phố cổ Geogre Town

Tối
  • Dạo phố đêm, thưởng thức các món ăn đường phố. Một số con phố ẩm thực Lorong Baru Georgetown, khu chợ gần Gurney Drive, đường Presgrave, Long Beach Food Court.

Ngày 4: Penang - Langkawi
  • Di chuyển: bus+ferry.
  • 6am dậy sớm trả phòng sau đó đi bus 303 mất 1h20 phút (2RM/ng) đi ra Sungai Nibong Express Bus Terminal bắt xe bus của hãng Plusliner chạy đi Terminal Bas Kuala Perlis, xe chạy từ 8.30am ~ 10.46am. Phí 17.1RM/ng.
  • Tiếp theo đi ferry ra tới langkawi mất 1h15 phút đi, phí 18RM/ng.
Tàu dừng tại bến tàu Jeti Kuah trên đảo Langkawi (Khu vực trung tâm Kuah Town). Dự kiến tới nơi là 12am.
4.1. Khu Kuah Town
  • Thăm quảng trường đại bàng Eagle Square: từ khu bến  tầu Jeti Kuah đi bộ khoảng 300m là tới Eagle Square.
  • Công viên bảo tồn sinh thái biển Pilau Payar: Từ khu bến  tầu Jeti Kuah đi bộ theo đường Persiaran Putera khoảng 2km là tới Pilau Payar.
4.2.  Khu Pantai Cenang.
  • Di chuyển về thẳng nhà nghỉ ở khu Pantai Cenang bằng taxi (giá 23RM, cho 21km).
  • Đi thăm Langkawi Sky Bridge bằng xe máy (Giá thuê 24RM/ngày), cách trung tâm Pantai Cenang 17km. Vé đi cáp treo là 30RM/ng. Xuống có thể đi thăm làng phương đông ở ngay dưới chân và khu bến du thuyền Telaga Harbour Park cách chân 3km.
  • Bãi biển Cenang: ngay ở trung tâm Pantai cenang.

Chi phí dự kiến cho 1,5 ngày ở langkawi: 170 RM (gồm đi tới langkawi từ penang và đi lại) + 180 RM cho nhà nghỉ và ăn uống. Tổng thiệt hại 350 RM/2 ngày cuối.

Island Hoping Tour (Tour tham khảo đi)

Lựa chọn số 1 đối với những bạn thích đi vòng quanh các đảo trong thời gian ngắn. Tour diễn ra trong khoảng 4h, giá 25-30RM đối với một người lớn. Mua tour ở các quầy thông tin du lịch, ở khách sạn hay ở những đại lý bán lẻ ở bờ biển thì giá đều như nhau, chỉ khác 5RM nếu bạn muốn đưa đón từ khách sạn hay tự mình di chuyển đến khu vực đại lý yêu cầu. Tất cả các tour thực ra đều có sẵn một kịch bản, sẽ đưa bạn đi một vòng qua ba điểm, chỉ có lái tàu thông báo các địa điểm đến và đón, thời gian quy định ở điểm đó chứ không hề có hướng dẫn viên du lịch đi kèm.

+ Điểm thứ nhất là một hòn đảo khá xa bờ, giống như Cù Lao Chàm ở Hội An, các bạn có thể thoải mái bơi và vui chơi ở đây trong vòng 1h. Lưu ý là trên đảo chỉ có một quán cung cấp các loại đồ uống, không hề có nhà vệ sinh hay phòng thay đồ, nên các bạn nên mặc sẵn đồ tắm trước khi lên tàu. Bãi biển rất đẹp, nước trong xanh giống y như các bãi biển ở đảo của Việt Nam.

+ Điểm tiếp theo tour đưa các bạn đến là một khu vực mà có rất nhiều đại bàng đến săn mồi. Các dịch vụ bán tour thì luôn đưa thông tin là “cho đại bàng ăn” nhưng không phải là khách được cho đại bàng ăn đâu, mà sẽ chính là người lái tàu ném những con cá nhỏ ra xa, và lần lượt cả đàn đại bàng sẽ sà xuống bắt mồi. Chúng xếp hàng rất có trật tự và lần lượt lao xuống, hết sức ngoạn mục.

+ Điểm cuối cùng của Island Hoping Tour là điểm đặc biệt nhất của Công viên địa chất Langkawi – Hồ bà bầu Maiden Lake. Một hồ nước ngọt nằm trên một ngọn núi cao, giữa đại dương có một vẻ đẹp khá đặc biệt gắn liền với một truyền thuyết của dân địa phương về một nàng tiên nữ đem lòng yêu chàng ngư phủ mà trái lệnh Thượng đế, bỏ xuống trần sinh sống nên đã bị Thượng đế biến nàng thành một hòn đảo nằm bơ vơ giữa biển.

Tour cũng có nét đặc sắc riêng nhưng theo đánh giá cá nhân của mình thì không thể bằng tour 4 đảo ở Nha Trang hay tour Cù Lao Chàm ở Hội An.












Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Penang và Langkawi là hai hòn đảo du lịch lớn nhất Malaysia. Bởi vậy không khó hiểu khi nhu cầu đi lại giữa hai hòn đảo này lại rất lớn. Điều tuyệt vời là bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một lịch trình hợp lý tùy theo kinh phí và thời gian bạn có.

1. Bay
Để bay từ Penang tới Langkawi có khá nhiều lựa chọn  nhưng rẻ nhất là Airasia. Nếu đặt được giá rẻ, chi phí cho chuyến bay từ giữa hai đảo này còn tốt hơn giá đi phà hoặc di chuyển bằng đường bộ.
Thời gian bay chỉ hơn nửa tiếng nhưng nếu tính tổng thời gian di chuyển ra sân bay và thời gian chờ đợi, chắc chắn bạn sẽ mất từ 2-3h. Mình đã từng đi phà biển và cũng chỉ mất 2h30 cho hành trình từ Penang tới Langkawi.

Đi phà nhanh có lẽ là lựa chọn tốt nhất với những ai ít thời gian. Từ Penang hàng ngày có 3 chuyến phà tới Langkawi. Chuyến sớm nhất xuất phát lúc 8:15 nhưng ghé qua Pulau Payar. Bạn nên chọn chuyến thứ 2 xuất phát muộn hơn 8:30 nhưng đi thẳng tới Langkawi. Đi cách này sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Buổi chiều có một chuyến nữa xuất phát lúc 2:00. Thời gian lênh đênh trên biển khoảng 2,5 - 3 tiếng. 

Giá ferry này là 70 RM/người (cả thuế - update tháng 4/2016). Mình nghĩ đây là một giá vé khá hợp lý vì khoảng cách di chuyển là 100km. Không cần phải mua vé trước. Bạn chỉ cần tới trước giờ xuất phát 30 phút, mua vé và lên phà luôn.

Gọi là phà nhưng nó giống tàu du lịch hơn. Có hai tầng và có các hàng ghế để khách ngồi. Mình không thấy phà chở phương tiện như xe máy/ô tô. Theo cảm nhận của mình, phà biển đi khá nhanh và êm. Có lẽ hôm mình đi thời tiết đẹp, biển lặng nên mình không hề thấy mệt sau hành trình dài. Trên phà có ti vi để xem phim và có nhà vệ sinh khá sạch.
Điểm dừng ở Langkawi bến jetty thuộc khu Kuah Town - từ đây bạn có thể đi bộ ra quảng trường Đại Bàng (Eagle Square) - cách bến phà khoảng 200m

3. Bus - > Phà
Cách tiết kiệm nhất để tới Langkawi là từ đảo Penang bạn đi phà biển sang phần đất liền Butterworth. Phà biển này free, lênh đênh trên bển khoảng 30 phút là bạn tới đất liền. Ngay bên phải lối xuống phà là bến xe khách (Butterworth bus). Từ đây bạn có thể mua vé bus đi Alor Setar hoặc Kuala Perlis.

- Nếu tới Alor Setar, bạn cần bắt một tuyến bus ngắn (15km) tới bến phà tại Kuala Kedah (bến phà để sang Langkawi - 7:00am -> 7:00pm). Giá phà biển này là 23RM/người và mất khoảng 45 phút để tới được đảo.

- Bạn cũng có thể đi bus từ Butterworth đến Kuala Perlis. Ở đây cũng có phà ra Langkawi từ 7:00 sáng tới 7:00 tối. Được coi là tuyến phà biển ngắn nhất tới Langkawi, bạn chỉ cần 15 phút đi phà với chi phí 18RM

Nếu đi theo các cách này tổng chi phí đi lại (bus + ferry) là 35RM thay vì 70RM cho chuyến phà nhanh thẳng tới Langkawi. Nó phù hợp với những bạn có nhiều thời gian và muốn trải nghiệm các phương tiện khác nhau ở Malaysia. Lần tới nếu có dịp quay lại Penang, mình nhất định sẽ thử :))

Phà nhanh từ Peang tới thẳng Langkawi (Cái nhỏ ấy ạ, cái to là tàu du lịch 5 sao :D)

Zoom gần fast ferry là như này

Bến phà tại Langkawi nhìn từ quảng trường Đại bàng

Phà biển free từ Geogre Town sang Butterworth (Nếu đi bus bạn sẽ đi phà này để sang Butterworth bus terminal)

 Bên trong phà

Butterworth bus terminal

Hà Nội 11/5/2016

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Mình đến Penang vào tháng 4 - tháng cao điểm nắng nóng. Từ Hà Nội 20 độ sang Peang 36 độ là cả một cú sốc đối với mình. Nhưng cái nóng không làm mình thấy ghét Penang chút nào. Hai ngày ở đây dường như là chưa đủ đối với mình và mình muốn nói về 5 điều thú vị nhất khiến mình mê mệt Penang:

CAT bus
Là hệ thống xe bus miễn phí chạy qua tất cả các điểm nổi bật trong phố cổ George Town. Tưởng tượng nhé! Bạn chỉ cần nhảy lên xe ngồi mát và dạo qua tất cả các điểm nổi tiếng. Thích xuống chỗ nào thì nhảy xuống. Thăm quan xong lại nhảy lên đi tiếp. Free hoàn toàn, máy lạnh mát rượi và không bao giờ gặp cảnh chen chúc. Chà! Tới bao giờ Hà Nội mới làm được một hệ thống tương tự như vậy nhỉ? Nó không quá tốn kém phức tạp mà lại rất tiện lợi với du khách. Tới Penang 2 ngày mình thuê xe máy mà cuối cùng quyết định trả xe sớm để đi bus. Nói như vậy đủ hiểu đi bus ở đây dễ dàng và sung sướng như nào.

Hành trình truy tìm những bức tranh tường
Tới Penang không thể không đi tìm tranh tường. Khi mình check in xong, chú chủ gesthouse đưa mình một bản đồ có đánh dấu tất cả các điểm có vẽ tranh. Trông không khác gì bản đồ kho báu. Và cái cảm giác đi tìm từng bức tranh đã đánh dấu cũng tương tự như cuộc hành trình đầy thú vị. Tranh không nằm ở những chỗ dễ tìm mà thường nằm rất sâu trong các ngách nhỏ. Vì vậy tìm được không phải dễ dàng.
Xung quanh có rất nhiều bạn cũng cầm bản đồ đi tìm như mình. Thấy chỗ nào đông người vừa đi ra là y như rằng chỗ đó có tranh :D










Free Ferry (Cứ Free là thích :D)
Đây là phà biển từ bến phà gần George Town (phần đảo) sang Butterworth (Penang phần đất liền). Phà rất bự, có hai tầng. Tầng trên dành cho người đi bộ, tầng dưới cho xe ô tô và xe máy. Mặc dù xe lên phà rất nhiều nhưng mình không thấy cảnh ùn tắc ở đây. Lối lên phà rất dài, được chia làn rõ ràng nên dù là giờ cao điểm, các xe lên và xuống rất trật tự và quy củ.
Điều đặc biệt phà biển này free chiều từ đảo vào đất liền. Chỉ thu tiền vé từ đất liền ra đảo, giá vé chỉ 1 RM/người (gần 6k) cho gần 30 phút lênh đênh trên biển. Cảm giác lần đầu tiên đi phà biển thực sự rất yomost. Gió mát, biển xanh, lại được view cảnh hai bên bờ nữa. Lần tới nếu có dịp quay lại Penang mình nhất định sẽ đi lại.





Thành phố xanh
2/3 diện tích Penang là rừng nên có thể gọi đây là thành phố xanh. Mình thấy rất ít người sử dụng khẩu trang trên đường phố. Khi tới đây mình cũng không dùng mặc dù có mang theo từ VN. Có những con đường phủ rợp bóng cây tuyệt đẹp và yên bình. Nó khiến mình liên tưởng tới con đường Phan Đình Phùng hay Xuân Diệu ở Hà Nội. Giữa thành phố nhưng mình vẫn nghe thấy tiếng chim hót, quạ kêu :D (bên này người Hồi giáo nhiều, họ nuôi quạ xung quanh đền thờ, mình đoán quạ là con vật linh thiêng đối với tôn giáo này)






Con người
Người Malay nói tiếng Anh rất giỏi. Hầu như mình hỏi ai cũng có thể trả lời mình bằng tiếng Anh vậy. Lúc mới tới Penang, mình gặp khó trong việc bắt bus từ Sungai Nibong - bến xe khách của Penang về trung tâm George. Có một bác quét đường ra hỏi mình và tận tình giúp đỡ. Từ chuyện vẫy xe bus tới vụ đổi tiền lẻ.
Rồi tới chú chủ nhà nghỉ hiền lành chỉ thông tin cho mình về giá cả thuê xe máy tới cách đến được langkawi nhanh nhất...
Ai mình gặp cũng rất thân thiện, từ soát vé tới nhân viên an ninh ở bến phà. Có cảm giác họ rất hiền lành và tử tế. Hơn tất cả, con người ở mỗi vùng đất luôn là lý do khiến mình mong muốn quay lại. Trước đây là Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Nha Trang, Thái...và bây giờ là Penang. Mình rất thích cảm giác được nói chuyện với người địa phương để tìm hiểu văn hóa của vùng đất ấy.

Trên đây là 5 lý do mình muốn trở lại Penang. Còn đối với bạn thì sao?

Penang 15/4/2016

About

Anybooks.vn

Popular Posts