Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng cách phân biệt dễ nhất giữa một người khách du lịch (tourist) và một khách lữ hành (traveller) là hãy nghe những gì họ kể lại. 

Một người khách du lịch thông thường sẽ đưa ra những bức ảnh chụp với những địa điểm nổi tiếng, có chăng là một vài kiến thức sách vở về địa điểm đó mà ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet. Vậy thôi. Chấm hết!

Còn một người lữ hành thực sự thì sao?
Họ sẽ kể cho ta về văn hóa đa dạng nơi họ đặt chân tới, về những con người bản địa, về những tập quán mà nghe xong có thể ta sẽ há hốc mồm kinh ngạc. Và sau hết ta chỉ muốn ngay lập tức vứt bỏ lại công việc bộn bề, xách balo lên đường để khám phá vùng đất ấy.


Di Li trong Đảo Thiên Đường không những là một lữ khách thứ thiệt mà cô còn làm tốt hơn thế. Cô ấy dường như là một hướng dẫn viên thực sự cuốn hút, dưới ngòi bút của cô những vùng đất tưởng chừng quen thuộc lại hiện lên với vô vàn nét độc đáo. Chẳng nói đâu xa, chỉ loanh quanh trong những nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia hay Thái Lan...cũng có nhiều thứ khiến ta kinh ngạc. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng gián có thể ăn được, thậm chí trở thành đặc sản? Nếu bạn không tin thì mời bạn qua Siem Reap, một trong ba thành phố lớn nhất của Campuchia.

Hay như ở đất nước Triệu Voi, các nhà sư với công việc đi khất thực đã trở thành những...người mẫu ảnh quảng bá cho một đất nước hiền hòa tới du khách khắp nơi trên thế giới. Khi tới Thái Lan, bạn dễ dàng choáng ngợp trước những ngôi chùa nguy nga, cổ kính, lấp lánh dưới ánh mặt trời, và người dân thì sùng đạo tới mức có bao nhiêu vàng đều đem dát tượng Phật cả. Ấy vậy mà cũng ở đất nước này lại tồn tại một điều rất mâu thuẫn, cứ đi 10m lại có một ngôi chùa nhưng cũng 10m lại có một cô gái làm nghề quán bar...Vậy đấy, những trang viết của Di Li lôi cuốn người đọc đi từ chương này tới chương khác cũng bởi cô biết tìm tòi cái mới, biết cách làm người đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện của mình. Phải thừa nhận rằng, cô là một hướng dẫn viên có tài và có duyên, cô ấy luôn biết đưa đến những thứ "khách du lịch" cần. Nếu bạn chưa từng đến vùng đất ấy, đọc xong bạn sẽ có ham muốn ngay lập tức đặt chân đến đó, còn nếu bạn đã từng đến rồi, bạn sẽ muốn quay lại một lần nữa cùng Di Li.

 Vốn là một nhà văn đồng thời là một nhà báo, ký sự của Di Li có được chất lãng mạn trong cách viết của một nhà văn nhưng cũng thể hiện cái sắc sảo trong cách nhìn của một nhà báo. Di Li dễ dàng miêu tả về một vùng đất mà đọc xong khiến ta có thể yêu ngay mảnh đất ấy bởi những vẻ đẹp trong từng ngóc ngách. Nhưng cô cũng có thể lột trần những thủ đoạn câu khách của những nhân viên bán đá quý hay phương thuốc lừa dối chữa bách bệnh ở Trung Quốc, mô tả cặn kẽ những con phố mại dâm công khai ở Amsterdam - một thành phố có tiếng đào hoa và xinh đẹp hay nói về nạn ăn cắp vặt tận trời Âu, điều mà ít người có thể hình dung được. Di Li không viết lại những điều sẵn thấy hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, cô cũng chẳng chăm chăm ca ngợi những địa danh nổi tiếng, hay trầm trồ trước sự xa hoa của quốc gia khác. Ngược lại, bằng cái nhìn của một nhà báo, cô chọn viết về cả những điều tiêu cực của con người, đất nước cô đặt chân đến. Bởi mảnh đất nào cũng có những nét hạn chế, nền văn hóa nào cũng tồn tại sự khác biệt. Nhưng chính đều đó lại làm nên sức hấp dẫn cho những vùng đất. Vô hình chung điều đó tạo nên sự hấp dẫn riêng cho cuốn sách này. Chẳng phải sẽ rất nhàm chán hay sao khi đọc xong một cuốn sách mà ta lại thấy chẳng khác gì những kiến thức ta thường đọc được trên các trang web du lịch thông thường.

 Đi nhiều, viết nhiều nhưng mảnh đất mà Di Li gắn bó thì chỉ có một. Như người ta thường nói :"Dù đi xa đến đâu cũng cần một nơi chốn để quay về", và với Di Li, nơi chốn đó chính là Hà Nội. Như cô đã từng thừa nhận :"Tôi chưa bao giờ rời khỏi Hà Nội quá ba tháng trời". Có lẽ bởi cô yêu Hà Nội bằng một tình yêu kỳ lạ nên những điều rất đỗi bình dị cũng trở thành ký ức tươi đẹp trong cô. Ngay cả khi Hà Nội giờ đã đổi khác, đã xô bồ hơn, đã hổ lốn hơn, đã khói bụi hơn, đã bớt đi nét cổ kính hơn...nhưng tình yêu trong Di Li vẫn vẹn nguyên như cũ. Đọc những trang văn cô viết riêng cho Hà Nội, tôi có cảm giác như cô đang viết về người tình duy nhất của mình. Cô chọn lọc những nét đáng yêu nhất, thuần khiết nhất, tươi sáng nhất, riêng biệt nhất và đẹp đẽ nhất để nói về. Cũng đúng thôi, khi người ta đã trót yêu một mảnh đất, nhất là khi mảnh đất đó đã gắn bó với họ từ những năm tháng tuổi thơ tới lúc trưởng thành, thì rất khó để bắt họ thừa nhận những điểm yếu của những gì họ đang yêu quý. Đối với tôi, tình yêu đó rất đáng trân trọng và cần thiết. Sẽ thật đáng thương nếu như ta chẳng có một nơi để yêu, để gắn bó, để dành hết tâm hồn tình cảm cho nó, để nhớ nhung khi ta đặt chân tới một vùng đất khác, để háo hức quay về sau mỗi chuyến đi xa. Và bởi lẽ Di Li đã chọn cho mình một tình yêu như thế, nên những trang viết về Hà Nội dù được sắp xếp ở cuối cuốn sách, kỳ lạ thay lại là những trang để lại cho tôi dư âm mạnh mẽ nhất. Đúng như lời nhận xét của nhà văn Lê Thiếu Nhơn :"Sở dĩ, ký sự của Di Li có khoảng dư âm để lại là  nhờ ngòi bút dài hơn bước chân. Ngòi bút Di Li đồng hành với bước chân Di Li, nhưng chuồi thêm một quãng vào tâm tình người đọc bằng những rung động khe khẽ của thăm thẳm giấc mơ dấn thân và trở về yêu thương ngôi nhà gần gũi chính mình".


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

About

Anybooks.vn

Popular Posts