Con người có bao nhiêu giác quan là có bấy nhiêu cách dẫn lối về những kỷ niệm ấu thơ.
Đối với tôi, dù đi xa đến mấy nhưng bất chợt gặp mùi hương thoang thoảng mùi lúa chín lại chợt nhớ tới những con đường làng quê đầy rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Hay mỗi lần nhìn thấy cánh diều dù sặc sỡ hay giản đơn bay lượn giữa bầu trời thành phố, tôi sẽ chẳng thể nào bắt mình thôi nhớ về những buổi chiều mùa hạ háo hức thả diều ở triền đê...Có lẽ ai cũng có những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm như thế, nó tựa hồ như một nơi chốn bình yên mỗi khi ta nhớ về.
Giờ đây, khi cầm trên tay cuốn sách nhỏ "Những lối về ấu thơ" tâm hồn tôi một lần nữa được lắng đọng lại, kỳ lạ thay không phải ở ký ức tuổi thơ tôi, mà ở những hoài niệm của hai con người khác. Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy - một người lớn lên nơi Sài Gòn tấp nập phồn hoa, một người sinh ra tại một vùng quê nghèo miền biển - nhưng những câu chuyện về tuổi thơ của hai người lại gần gũi đến lạ. Tiếp nối mỗi câu chuyện của Phạm Công Luận sẽ là một kỷ niệm của Đặng Nguyễn Đông Vy, cứ đan cài xen kẽ như thế. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu mình không biết trước được cách sắp xếp ấy, liệu rằng tôi có nhầm lẫn đây là cuốn sách được viết chỉ một người ?
"Những lối về ấu thơ" dù là tản văn tập hợp những bài viết nho nhỏ về quê hương của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy nhưng kỳ thực hai tác giả ấy đã thành công trong nhiệm vụ dẫn lối cho người đọc trở về những ký ức tuổi thơ. Hỏi rằng ai chẳng bồi hồi khi nhớ về mùi khói của nồi bánh chưng, bánh tét đang sôi những ngày giáp Tết, ai mà không háo hức khi được khoác trên mình bộ quần áo mới mỗi sáng mùng Một, ai chẳng có một tuổi thơ với đầy những món quà vặt ăn hoài không thấy ngán? Vậy đó, đọc sách mà tâm hồn lại háo hức như chính mình đang ôn lại những kỷ niệm xưa cũ, để thấy rằng, chao ôi tuổi thơ của mình đẹp đến nhường nào. Chỉ ao ước được quay về cái thời con nít ngây ngô đó, chạy nhảy trên con đường đầy rơm rạ, hít hà cái mùi thơm của những món quà vặt ít tiền để rồi nhâm nhi sung sướng như đang được thưởng thức một món sơn hào hải vị.
“Như vậy, những món yêu thích hồi còn nhỏ ta ăn không chỉ bằng lưỡi, bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, cảm xúc và tất nhiên bằng cả nhu cầu của một cơ thể đang lớn. Cái bánh nào ngon bằng bánh mẹ cho ta khi mới đi chợ về, được gói trong lớp giấy điều mỏng thấm loang vết dầu từ vỏ bánh. Chén cơm nào ngon bằng chén cơm ấm nóng trong một chiều mưa, sau một trận đá banh ngoài bãi cỏ gần nhà. Lúc ấy cơm ăn với cá, thịt, trứng chiên hay ba khía đều ngon…”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét