Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Trước khi đọc "Hãy chăm sóc mẹ" tôi cũng như những đứa con trong cuốn sách này, chưa bao giờ có thể nghĩ được rằng một ngày kia mẹ mình sẽ đi lạc. Bởi với tôi, mẹ luôn là người chăm sóc lo toan cho tất cả các thành viên khác trong gia đình, mẹ luôn có những cách đặc biệt để không ai phải lo lắng cho mình. Tôi tin rằng, sau khi đọc cuốn sách này, bạn cũng sẽ như tôi, sẽ rơi lệ khi chứng kiến cuộc hành trình xuôi ngược tìm mẹ trong câu chuyện ấy. Để thấy rằng có mẹ là điều tuyệt vời nhất trên thế gian này.

 "Hãy chăm sóc mẹ" để lại ấn tượng cho tôi về hình ảnh một người mẹ tưởng chừng bình thường như bao người mẹ khác nhưng cũng rất phi thường. Bởi lẽ người mẹ ấy đã dành cả đời mình hy sinh vì con, sống vì ước mơ của con, chịu đựng tất cả để dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Hình ảnh mẹ hiện lên trong những dòng ký ức của người chồng, của những đứa con, không xuất chúng, không tài giỏi, không quyền lực nhưng lại đẹp đến lạ lùng. Đối với những đứa con của mình, mẹ là một người luôn quanh quẩn trong gian bếp "mẹ là bếp và bếp là mẹ", mẹ luôn tay luôn chân với những công việc đồng áng, dường như bà mẹ ấy chẳng bao giờ biết mệt nhọc với công việc LÀM MẸ của mình. Đối với những đứa con, mẹ yêu thương chúng bằng tất cả những gì bà có. Thật tiếc là tới khi bà mất tích, những đứa con ấy mới nhận ra rằng bà mẹ bình thường của mình hàng ngày thật phi thường biết bao:

 "Em biết một điều. Em không thể làm được như mẹ. Cho dù em có muốn đi chăng nữa. Mỗi khi cho con ăn, em rất hay nổi cáu. Em cảm thấy gánh nặng, em cảm giác như con cái níu chân mình. Em yêu các con lắm, nhiều lúc em cảm động ứa nước mắt khi nghĩ không biết có thật mình đã sinh ra chúng không, thế nhưng em không thể trao cả cuộc đời mình cho con cái giống như mẹ đã làm được. Trong từng hoàn cảnh, em luôn làm hết sức vì các con, thậm chí em còn có thể hiến dâng cho chúng đôi mắt của chính mình nếu chúng cần, nhưng em vẫn không phải là mẹ."

 Ở một góc nhìn khác, bà mẹ ấy hiện lên cũng đáng yêu và đáng cảm phục. Bà có những ước mơ của riêng mình, bà cũng lãng mạn, cũng có những giây phút tức giận đến mức đập bể những chiếc nắp chum mà hàng ngày bà thường nâng niu, và hơn nữa bà cũng có những lúc bệnh tật, đau ốm, chẳng còn được như thời trẻ. Ấy vậy mà bà vẫn chẳng bao giờ muốn thừa nhận điều đó. Bởi vì điều đó với bà thật "trẻ con". Một bà mẹ luôn cố gắng tỏ ra rằng mình ổn, mình không thể bị ốm đau và giấu cả chuyện mình không biết chữ. Bà làm thế bởi bà không muốn trở thành gánh nặng cho các con, cho chồng. Bà vẫn chăm sóc chồng khi ông ốm nhưng ông lại không biết rằng trong khi đó bà cũng đang phải một mình chống lại những cơn đau đầu tới lịm người. Là bà cố tình giấu ông hay vì ông quá vô tâm? Những đứa con của bà cũng chẳng dám thừa nhận rằng ở bà đã có những dấu hiệu của tuổi già, rằng mẹ chúng giờ chẳng còn minh mẫn. Là chúng quá vô tâm hay vì chúng đã quá quen với hình ảnh một người thường “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Vậy đấy, chúng ta thường mặc định mẹ sinh ra đã là một người mẹ, bởi vậy mẹ sẽ làm tốt những việc của một bà mẹ là quan tâm chăm sóc những thành viên trong gia đình. Nhưng ta lại quên đi rằng, mẹ có thể bị lạc lắm chứ. Mẹ cũng có lúc không còn được minh mẫn, chẳng thể nhớ được nhà của bất cứ đứa con nào, mẹ cũng cần được quan tâm chăm sóc, mẹ cũng cần được hỏi han...

 Khi theo dõi cuộc hành trình xuôi ngược để tìm lại mẹ, tôi đã hơn một lần ước rằng những đứa con này sẽ tìm thấy mẹ mình, để bà mẹ ấy có thể cảm nhận được tình yêu của họ dành cho bà nhiều đến mức nào. Nhưng lật giở đến trang cuối cùng, hành trình ấy vẫn chưa có hồi kết. Nó khiến tôi day dứt và buộc tôi phải suy ngẫm. Cuộc sống là thế, đôi khi nó không giống như một câu chuyện cổ tích và một cái kết có hậu không phải lúc nào cũng chờ đợi bạn ở cuối cuộc hành trình. Bằng cái kết đầy day dứt ấy tác giả Shin Kyung-sook đã đặt ra cho chúng ta - những người làm con những câu hỏi mà tôi biết ai cũng có câu trả lời cho riêng mình:
- Bạn đã bao giờ nói rằng bạn yêu mẹ chưa?
- Bạn đã bao giờ cảm ơn mẹ vì những việc bà đã làm cho bạn?
- Và bạn đã chăm sóc mẹ của mình như thế nào?


 Hãy yêu thương mẹ chừng nào bạn còn có thể yêu thương. Đừng để khi mẹ đã rời xa, bạn mới nhận ra rằng "CÓ MẸ" là điều hạnh phúc nhất của đời người:

 "Chị. Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ...
Chị, chị đừng bỏ rơi mẹ, hãy đi tìm mẹ chị nhé..."

                                              

HN 25/5/2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

About

Anybooks.vn

Popular Posts