Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng cách phân biệt dễ nhất giữa một người khách du lịch (tourist) và một khách lữ hành (traveller) là hãy nghe những gì họ kể lại. 

Một người khách du lịch thông thường sẽ đưa ra những bức ảnh chụp với những địa điểm nổi tiếng, có chăng là một vài kiến thức sách vở về địa điểm đó mà ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet. Vậy thôi. Chấm hết!

Còn một người lữ hành thực sự thì sao?
Họ sẽ kể cho ta về văn hóa đa dạng nơi họ đặt chân tới, về những con người bản địa, về những tập quán mà nghe xong có thể ta sẽ há hốc mồm kinh ngạc. Và sau hết ta chỉ muốn ngay lập tức vứt bỏ lại công việc bộn bề, xách balo lên đường để khám phá vùng đất ấy.


Di Li trong Đảo Thiên Đường không những là một lữ khách thứ thiệt mà cô còn làm tốt hơn thế. Cô ấy dường như là một hướng dẫn viên thực sự cuốn hút, dưới ngòi bút của cô những vùng đất tưởng chừng quen thuộc lại hiện lên với vô vàn nét độc đáo. Chẳng nói đâu xa, chỉ loanh quanh trong những nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia hay Thái Lan...cũng có nhiều thứ khiến ta kinh ngạc. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng gián có thể ăn được, thậm chí trở thành đặc sản? Nếu bạn không tin thì mời bạn qua Siem Reap, một trong ba thành phố lớn nhất của Campuchia.

Hay như ở đất nước Triệu Voi, các nhà sư với công việc đi khất thực đã trở thành những...người mẫu ảnh quảng bá cho một đất nước hiền hòa tới du khách khắp nơi trên thế giới. Khi tới Thái Lan, bạn dễ dàng choáng ngợp trước những ngôi chùa nguy nga, cổ kính, lấp lánh dưới ánh mặt trời, và người dân thì sùng đạo tới mức có bao nhiêu vàng đều đem dát tượng Phật cả. Ấy vậy mà cũng ở đất nước này lại tồn tại một điều rất mâu thuẫn, cứ đi 10m lại có một ngôi chùa nhưng cũng 10m lại có một cô gái làm nghề quán bar...Vậy đấy, những trang viết của Di Li lôi cuốn người đọc đi từ chương này tới chương khác cũng bởi cô biết tìm tòi cái mới, biết cách làm người đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện của mình. Phải thừa nhận rằng, cô là một hướng dẫn viên có tài và có duyên, cô ấy luôn biết đưa đến những thứ "khách du lịch" cần. Nếu bạn chưa từng đến vùng đất ấy, đọc xong bạn sẽ có ham muốn ngay lập tức đặt chân đến đó, còn nếu bạn đã từng đến rồi, bạn sẽ muốn quay lại một lần nữa cùng Di Li.

 Vốn là một nhà văn đồng thời là một nhà báo, ký sự của Di Li có được chất lãng mạn trong cách viết của một nhà văn nhưng cũng thể hiện cái sắc sảo trong cách nhìn của một nhà báo. Di Li dễ dàng miêu tả về một vùng đất mà đọc xong khiến ta có thể yêu ngay mảnh đất ấy bởi những vẻ đẹp trong từng ngóc ngách. Nhưng cô cũng có thể lột trần những thủ đoạn câu khách của những nhân viên bán đá quý hay phương thuốc lừa dối chữa bách bệnh ở Trung Quốc, mô tả cặn kẽ những con phố mại dâm công khai ở Amsterdam - một thành phố có tiếng đào hoa và xinh đẹp hay nói về nạn ăn cắp vặt tận trời Âu, điều mà ít người có thể hình dung được. Di Li không viết lại những điều sẵn thấy hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, cô cũng chẳng chăm chăm ca ngợi những địa danh nổi tiếng, hay trầm trồ trước sự xa hoa của quốc gia khác. Ngược lại, bằng cái nhìn của một nhà báo, cô chọn viết về cả những điều tiêu cực của con người, đất nước cô đặt chân đến. Bởi mảnh đất nào cũng có những nét hạn chế, nền văn hóa nào cũng tồn tại sự khác biệt. Nhưng chính đều đó lại làm nên sức hấp dẫn cho những vùng đất. Vô hình chung điều đó tạo nên sự hấp dẫn riêng cho cuốn sách này. Chẳng phải sẽ rất nhàm chán hay sao khi đọc xong một cuốn sách mà ta lại thấy chẳng khác gì những kiến thức ta thường đọc được trên các trang web du lịch thông thường.

 Đi nhiều, viết nhiều nhưng mảnh đất mà Di Li gắn bó thì chỉ có một. Như người ta thường nói :"Dù đi xa đến đâu cũng cần một nơi chốn để quay về", và với Di Li, nơi chốn đó chính là Hà Nội. Như cô đã từng thừa nhận :"Tôi chưa bao giờ rời khỏi Hà Nội quá ba tháng trời". Có lẽ bởi cô yêu Hà Nội bằng một tình yêu kỳ lạ nên những điều rất đỗi bình dị cũng trở thành ký ức tươi đẹp trong cô. Ngay cả khi Hà Nội giờ đã đổi khác, đã xô bồ hơn, đã hổ lốn hơn, đã khói bụi hơn, đã bớt đi nét cổ kính hơn...nhưng tình yêu trong Di Li vẫn vẹn nguyên như cũ. Đọc những trang văn cô viết riêng cho Hà Nội, tôi có cảm giác như cô đang viết về người tình duy nhất của mình. Cô chọn lọc những nét đáng yêu nhất, thuần khiết nhất, tươi sáng nhất, riêng biệt nhất và đẹp đẽ nhất để nói về. Cũng đúng thôi, khi người ta đã trót yêu một mảnh đất, nhất là khi mảnh đất đó đã gắn bó với họ từ những năm tháng tuổi thơ tới lúc trưởng thành, thì rất khó để bắt họ thừa nhận những điểm yếu của những gì họ đang yêu quý. Đối với tôi, tình yêu đó rất đáng trân trọng và cần thiết. Sẽ thật đáng thương nếu như ta chẳng có một nơi để yêu, để gắn bó, để dành hết tâm hồn tình cảm cho nó, để nhớ nhung khi ta đặt chân tới một vùng đất khác, để háo hức quay về sau mỗi chuyến đi xa. Và bởi lẽ Di Li đã chọn cho mình một tình yêu như thế, nên những trang viết về Hà Nội dù được sắp xếp ở cuối cuốn sách, kỳ lạ thay lại là những trang để lại cho tôi dư âm mạnh mẽ nhất. Đúng như lời nhận xét của nhà văn Lê Thiếu Nhơn :"Sở dĩ, ký sự của Di Li có khoảng dư âm để lại là  nhờ ngòi bút dài hơn bước chân. Ngòi bút Di Li đồng hành với bước chân Di Li, nhưng chuồi thêm một quãng vào tâm tình người đọc bằng những rung động khe khẽ của thăm thẳm giấc mơ dấn thân và trở về yêu thương ngôi nhà gần gũi chính mình".


Đọc để lắng nghe từng hơi thở của cuộc sống và của con người khắp muôn nơi

Cuốn sách này sẽ truyền cho bạn cảm hứng lên đường, khát khao được trải nghiệm và thử sức mình ở những cung đường khó. Bạn sẽ thấy những chia sẻ chân thực nhưng cũng phảng phất chút tự hào về những hành trình gian khổ, về những trục trặc gặp trên đường, về những đói khát, lạnh lẽo, nỗi sợ bủa vây. Nhưng trên hết là niềm tự hào khôn tả không phải vì đi được nhiều nơi, chụp được nhiều ảnh đẹp mà tự hào vì đã vượt qua được chính giới hạn của bản thân mình. Chẳng phải KẺ THÙ LỚN NHẤT CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH CHÍNH LÀ BẢN THÂN MÌNH đó sao? Một cuốn sách nhỏ mang lại cho bạn những trải nghiệm đáng quý về con người, về văn hóa. Bạn đọc sẽ được tìm hiểu về những phong tục tập quán của người dân vùng cao, cả những điều chưa hề mắt thấy tai nghe về những dân tộc xa xôi nhất tận châu Phi, Tây Tạng. 


 Đọc để thấy rằng những gì mình biết còn quá nhỏ bé so với thế giới này, để thúc giục mình lên đường tìm hiểu, để trải nghiệm và thu lượm những kiến thức quý giá mà chẳng sách vở nào dạy bạn được. Đọc để thấy mình còn thật tham lam và ham hố, để thấy mình còn quá hạnh phúc so với những bất hạnh trong cuộc đời này, để sống nhân ái hơn và tin hơn vào con người, để trân trọng những phút giây mình sống bởi đã trải qua những khoảnh khắc cận kề với sinh ly tử biệt.
  
 Cuốn sách này tập hợp những bài viết hay nhất của các thành viên trong Box du lịch, góp nhặt những trải nghiệm sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất đọng lại sau mỗi chuyến đi, sau những cuộc hành trình dài, mà trong đó có cả những giọt mồ hôi, nước mắt nhưng trên hết vẫn là nụ cười khi chiến thắng chính bản thân mình, khi nhận được những món quà vô giá là những ký ức đẹp về đất nước, con người.
  
 Họ - những người thích XÊ DỊCH đã đi, ngắm nhìn và học hỏi thế giới. Họ mang từ khắp bốn phương về đây những cảm nhận mới lạ, là tình yêu đối với mảnh đất mà họ đã đi qua, là những con người mà họ đã gặp gỡ...
  
 Hãy đọc để nghe những chia sẻ của họ về cuộc sống, về con người, những bài học, những trải nghiệm mà những con đường đã dạy họ...Đọc để lắng nghe từng hơi thở của cuộc sống và của con người khắp muôn nơi

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Mình tới Huế lần đầu năm 2012. Cảm nhận đầu tiên là vẻ trầm mặc đầy cổ kính của vùng đất kinh kỳ. Nhịp sống ở đây chầm chậm rất đáng yêu. Còn món ăn Huế thì khỏi chê, vừa rẻ vừa ngon.  Vì chuyến đi cuối tuần đầy ngẫu hứng chỉ kéo dài hơn một ngày nên những gì mình thăm thú được chỉ là lăng tẩm và hoàng cung Huế. 

Lần này trở lại mình mới có dịp khám phá những điểm xa hơn nội đô Huế. Hồ Thủy Tiên và đồi Thiên An là một trong những địa điểm được cho vào "tầm ngắm"
Vị trí của hai điểm này không quá xa, chỉ cách lăng Khải Định vài km. Đường vào hồ Thiên An không có biển chỉ dẫn nên mình phải nhờ sự trợ giúp của google maps và người dân bản địa. Trong lòng đã băn khoăn tại sao một điểm đến "mới nổi hấp dẫn" như thế lại thiếu vắng tấm đi tấm biển chỉ đường.

Loanh quanh một hồi, mình cũng tìm được tới cổng vào. Khi đang lăm le phi xe máy qua cổng thì mình bị một chị chặn lại thu tiền vé. Tiền vé là 10k/người nhưng không có vé mà chỉ trả tiền rồi đi thẳng. Có lẽ những người dân ở đây tự quản lý khu này thì phải.

Ý định ban đầu của mình là chạy xe vòng quanh hồ và thăm công viên nước mới xây giữa lòng hồ. Nhưng cả hai kế hoạch đều bị phá sản :(
Vào đến đây mới biết con đường vòng quanh hồ mới được làm một đoạn, chưa kịp làm hết thì chủ đầu tư phá sản. Công viên nước trước đầu tư hơn 10 tỉ sau một thời gian thu vé vào cửa cao quá thì ế khách. Giờ cũng bỏ hoang chẳng ai trông coi sửa chữa. Công trình nhân tạo nằm chình ình giữa hồ, rêu mốc, hoang tàn làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên của cảnh vật.
Nhưng phải thừa nhận rằng nếu bỏ qua những yếu tố ấy, đây quả thực là một địa điểm thiên nhiên hữu tình tuyệt đẹp. Hồ Thiên An rộng mênh mông gợn sóng. Hai bên hồ là rừng thông vi vút xanh mướt. 
Toàn cảnh Hồ và Đồi
Hai bên hồ là rừng thông xanh soi bóng

Địa điểm tuyệt đẹp để chộp ảnh cưới và "hẹn hò" :D

Con đường dẫn vào Công viên nước bị bỏ hoang

Hồ nhìn từ "hàm rồng" - tạo hình của công viên nước
Điều lạ lùng là lúc mình vào trong khu này chỉ toàn gặp những bạn Tây balo tự phóng xe máy hoặc xe đạp. Không có bóng dáng khách Việt Nam nào. Hiếm hoi mới gặp một đoàn cô dâu chú rể chộp ảnh cưới. Có lẽ cũng giống như mình, các bạn Tây đều search thông tin qua Google chứ chưa biết nơi này mới bị bỏ hoang. Nhưng mình không thấy hối tiếc khi bước chân vào đây. Đơn giản là mình được khám phá một địa điểm mới, được tận hưởng không khí trong lành mát mẻ, được nói chuyện với chị bán nước vô cùng hiếu khách và nhiệt tình. Với mình, vậy là đủ cho một chuyến đi đáng nhớ!
Thêm một số hình ảnh về công viên nước hình con rồng
Công viên nước nhìn từ bên ngoài

Đường vào

Bên trong thiết kế như một "khung xương" đầy ma mị :O

View từ miệng rồng :D


Kitchen thể hiện đúng tinh thần của những con người Nhật Bản: tinh tế, khoan thai, nhẹ nhàng, sâu sắc và giàu lòng nhân ái. 

Kitchen (tác giả Banana Yoshimoto)

"Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp" - Kitchen đã mở đầu bằng một câu văn như thế, và tôi ngỡ rằng mình sẽ được đọc một cốt truyện về tình yêu mãnh liệt dành cho nơi chốn ấy. Nhưng không, điều để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt sâu sắc lại là câu chuyện về những con người và cách mà họ nương tựa vào nhau để cùng vượt qua nỗi đau khi mất đi người mình thương yêu. 

 Chỉ hơn 200 trang viết của Kitchen nhưng đã dẫn tôi trải qua tới 6 cuộc mất mát và suy sụp: Đó là cảm giác cô đơn sau cái chết của người bà của cô bé Mikage, đó là cú sốc sau sự ra đi của người vợ hết mực yêu thương của Eriko, là nỗi tuyệt vọng đến trống trải của Yuchi Tanabe sau cái chết lạnh lùng bất ngờ của người mẹ lạ kỳ, hay cảm giác trống rỗng của Hiiragi khi cùng lúc mất đi cả người bạn gái và người anh trai thân thiết...Nhiều người sẽ nghĩ rằng Kitchen thật buồn thảm nhưng đối với riêng tôi Kitchen buồn bã nhưng từ chối bi lụy, trong đó ta dễ dàng nhận ra bên cạnh sự ưu tư mẫn cảm, sự cô đơn là niềm khát khao sống của tuổi trẻ. Nó cứ len lỏi trong tâm hồn của từng nhân vật, giúp họ đứng vững trước những nghiệt ngã của cuộc đời. Có thể khẳng định rằng nhà văn Yoshimoto đã thành công khi tái hiện lại cuộc đấu tranh day dứt giữa cảm giác cô đơn, trống trải sau mỗi mất mát và nỗ lực sống tiếp, sống có ý nghĩa của những người ở lại.

 Đọc Kitchen ta dễ dàng đồng cảm với những nỗi đau mà các nhân vật trải qua bởi chắc hẳn trong cuộc đời mình, ai cũng từng trải qua những nỗi đau tương tự như thế. Có cảm giác rằng họ nói về sự mất mát đó với một thái độ thật nhẹ nhàng nhưng thấm thía, nỗi đau len lỏi mức nhiều khi nó biến người ta trở nên đờ đẫn, vô cảm:
"Ờ, mà hồi bà mất, Mikage cũng gần như kiệt sức còn gì. Bây giờ mình mới nhớ lại thật rõ. Có những lúc xem ti vi, Mikage bỗng chợt hỏi: Cái vừa rồi nghĩa là sao nhỉ, mình nhìn lên Mikage trên chiếc ghế sofa thì thấy khuôn mặt Mikage vô hồn, nét mặt ấy như nói rằng Mikage đang chẳng suy nghĩ điều gì cả. Giờ đây mình mới hiểu tại sao."
Cái cảm giác chỉ còn một mình trên cõi đời, không người thân thích, không ai quan tâm quả thực là một cảm giác không hề dễ chịu. Điều đó khủng khiếp đến nỗi nó khiến người ở lại cũng thấy rằng cái chết giờ đây chẳng có gì đáng sợ :"Giống hệt loài sâu bọ,... Những người mình yêu rồi sẽ ra đi hết. Vậy mà vẫn phải sống". Vậy đấy, đôi khi lựa chọn sống cũng cần can đảm. Và những nhân vật trong Kitchen, sau sự suy sụp, sự lẻ loi, trống trải...đã tìm được lối thoát trong chính suy nghĩ của mình :"Xác suất lặp lại của những chuyện mà ta luôn sợ rằng nó sẽ đến là không hề thay đổi. Ta không thể tự mình quyết định được điều đó. Thế nên, chi bằng quyết tâm làm cho những chuyện khác trở nên vui vẻ có phải tốt hơn không?..." 

 Không chỉ thấy khâm phục nghị lực của những nhân vật trong câu chuyện mà Kitchen còn để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp về cách con người đối xử với nhau. Họ dẫu ban đầu chỉ là những con người hoàn toàn xa lạ nhưng lại tìm được sự đồng cảm khi cùng bị mất đi những người thương yêu nhất. Nhờ có sự tốt bụng của gia đình Tanabe mà cô bé Mikage mới có thể vượt qua được nỗi đau mất đi người bà thân yêu, cũng nhờ đó mà cô có thể theo đuổi niềm say mê nấu nướng của mình. Ngược lại, nhờ sự hiện diện của Mikage trong căn bếp nhỏ của gia đình mà hai mẹ con Yuchi Tanabe mới có được những giây phút quây quần bên nhau và trải qua một mùa hè tuyệt vời. Vậy đấy, từ những người xa lạ, giữa họ đã nảy sinh những tình cảm mà có lẽ chỉ có thể thấy được trong những gia đình thực sự hạnh phúc. Và chính Mikage cũng từng khẳng định:
"Một ngày nào đó, rồi tôi sẽ thấy da diết nhớ nơi này từ một phương trời khác?
Hay sẽ có một ngày, tôi lại được trở về đứng trong căn bếp ấy?
Nhưng dù sao thì lúc này đây, tôi vẫn đang ở cùng với bà mẹ giỏi giang và cậu con trai có đôi mắt thật hiền. Như thế là đủ"
Rõ ràng, đối với Mikage lúc này, cô không còn cô đơn một mình trên thế gian này, bởi cô biết luôn có một nơi chốn dành cho cô, đó là căn bếp ấm cúng nhà Tanabe cùng những con người yêu thương cô, lo lắng cho cô mà giờ đây cô đã coi như những người thân trong gia đình.

 Cũng giống như hình ảnh căn bếp cứ trở đi trở lại trong từng câu chữ, giản đơn nhưng ấm áp, cuốn sách cũng để lại dư âm trong tôi với ngọn lửa ấm của tình người, của nghị lực sống, của tính nhân văn và cả sự tỏa sáng trong văn phong của tác giả Yoshimoto. Không quá khó hiểu khi giữa hàng nghìn, hàng vạn đầu sách khác nhau nhưng Kitchen lại được Bộ Ngoại giao Nhật Bản chọn làm quà tặng cho các đoàn đại biểu ngoại quốc tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 1993. Bởi nó thể hiện đúng tinh thần của những con người Nhật Bản: tinh tế, khoan thai, nhẹ nhàng, sâu sắc và giàu lòng nhân ái. 

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Con người có bao nhiêu giác quan là có bấy nhiêu cách dẫn lối về những kỷ niệm ấu thơ. 

Đối với tôi, dù đi xa đến mấy nhưng bất chợt gặp mùi hương thoang thoảng mùi lúa chín lại chợt nhớ tới những con đường làng quê đầy rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Hay mỗi lần nhìn thấy cánh diều dù sặc sỡ hay giản đơn bay lượn giữa bầu trời thành phố, tôi sẽ chẳng thể nào bắt mình thôi nhớ về những buổi chiều mùa hạ háo hức thả diều ở triền đê...Có lẽ ai cũng có những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm như thế, nó tựa hồ như một nơi chốn bình yên mỗi khi ta nhớ về.

 Giờ đây, khi cầm trên tay cuốn sách nhỏ "Những lối về ấu thơ" tâm hồn tôi một lần nữa được lắng đọng lại, kỳ lạ thay không phải ở ký ức tuổi thơ tôi, mà ở những hoài niệm của hai con người khác. Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy - một người lớn lên nơi Sài Gòn tấp nập phồn hoa, một người sinh ra tại một vùng quê nghèo miền biển - nhưng những câu chuyện về tuổi thơ của hai người lại gần gũi đến lạ. Tiếp nối mỗi câu chuyện của Phạm Công Luận sẽ là một kỷ niệm của Đặng Nguyễn Đông Vy, cứ đan cài xen kẽ như thế. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu mình không biết trước được cách sắp xếp ấy, liệu rằng tôi có nhầm lẫn đây là cuốn sách được viết chỉ một người ? 


"Những lối về ấu thơ" dù là tản văn tập hợp những bài viết nho nhỏ về quê hương của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy nhưng kỳ thực hai tác giả ấy đã thành công trong nhiệm vụ dẫn lối cho người đọc trở về những ký ức tuổi thơ. Hỏi rằng ai chẳng bồi hồi khi nhớ về mùi khói của nồi bánh chưng, bánh tét đang sôi những ngày giáp Tết, ai mà không háo hức khi được khoác trên mình bộ quần áo mới mỗi sáng mùng Một, ai chẳng có một tuổi thơ với đầy những món quà vặt ăn hoài không thấy ngán? Vậy đó, đọc sách mà tâm hồn lại háo hức như chính mình đang ôn lại những kỷ niệm xưa cũ, để thấy rằng, chao ôi tuổi thơ của mình đẹp đến nhường nào. Chỉ ao ước được quay về cái thời con nít ngây ngô đó, chạy nhảy trên con đường đầy rơm rạ, hít hà cái mùi thơm của những món quà vặt ít tiền để rồi nhâm nhi sung sướng như đang được thưởng thức một món sơn hào hải vị.

 “Như vậy, những món yêu thích hồi còn nhỏ ta ăn không chỉ bằng lưỡi, bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, cảm xúc và tất nhiên bằng cả nhu cầu của một cơ thể đang lớn. Cái bánh nào ngon bằng bánh mẹ cho ta khi mới đi chợ về, được gói trong lớp giấy điều mỏng thấm loang vết dầu từ vỏ bánh. Chén cơm nào ngon bằng chén cơm ấm nóng trong một chiều mưa, sau một trận đá banh ngoài bãi cỏ gần nhà. Lúc ấy cơm ăn với cá, thịt, trứng chiên hay ba khía đều ngon…”





Giao thông ở Thái rất phát triển. Hàng ngày có hàng chục chuyến bay giá rẻ từ Bangkok tới Chiang mai của hãng AirAsia mà giá vé thậm chí còn rẻ hơn đi xe bus. Nhưng lần đầu đi Thái, mình chưa biết tới hãng bay này :(. Phần vì muốn trải nghiệm tàu hỏa của Thái như thế nào, phần vì giá rẻ, mình đã chọn đi tàu cho chặng đầu từ Bangkok - Chiangmai


Ưu điểm của hình thức di chuyển này

- Siêu rẻ. Hồi mình đi có 271 bath Thái (khoảng 170k) cho chặng Bangkok - Chiangmai (Hơn 700km - tương đương từ Hà Nội tới Đà Nẵng)
- Hiểu được cảm giác một mình một toa tàu, thích ngồi, nằm hay bò trườn gì cũng ok. Ở bên này rất ít người đi tàu, có khi cả toa tàu chỉ có lác đác vài anh chị Tây balo (Chắc cũng thích trải nghiệm như mình)
- Được ngắm các vùng quê Thái qua khung cửa sổ nhỏ của tàu (Rất yên bình như các vùng quê Việt Nam vậy :D). Tàu dừng ở rất nhiều ga địa phương, tha hồ ngắm kiến trúc và kiểu trang trí đặc trưng rất Thái. Ở đây mình thấy người ta hay trang trí bằng cách cắm cờ Hoàng Gia bên quốc kỳ. Cờ nhỏ xinh xinh nhưng tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng.
- Hình thức này phù hợp cho những bạn có nhiều thời gian vì thời gian di chuyển từ 15 - 16 tiếng.


Cách đi tàu điện từ sân bay Suvanhumi về Ga Hualum phong
Nếu bay tới Bangkok bằng các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airline, Vietjet thì máy bay sẽ đỗ ở sân bay mới của Bangkok là Suvanhumi. Từ đây bạn phải đi tới ga xe lửa trong trung tâm để mua vé đi Chiangmai. Dưới đây mình sẽ hướng dẫn các bạn cách đi tàu điện để tới nhà ga. Cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc kha khá so với cách đi bus của mình :((


(Bản đồ tàu điện ở Bangkok)

Phía trên là bản đồ hướng dẫn đi tàu điện ở Bangkok. Bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều đường xanh đỏ tím vàng...Nhưng bạn chỉ cần chú ý đến hai đường:
- Đường màu xanh dương (Từ sân bay Suvannabhumi <=> Phaya Thai)
- Đường màu cam (Từ Hua Lamphong <=> Bang Sua)

Đầu tiên bạn cần Xuống tầng dưới cùng tại sân bay Suvarnabhumi bắt Airport Rail Link (City Line) - Chính là đường màu xanh dương tới trạm Makkasan.
Từ trạm Makkasan bạn cần di chuyển tới trạm Phetchaburi. Tại đây bạn mua vé tàu điện để tới trạm cuối Hua Lumphong. 

Đi lên phía trên chính là ga tàu trung tâm của Bangkok

Một số lưu ý khi đi tàu hỏa
Sau khi mua được vé tàu phải vào ngay khu vực tàu chạy bên trong để tìm chuyến tàu của mình vì ở ngoài sẽ không có loa thông báo như đi tàu ở Việt Nam
Trong nhà ga có khu vực đổi tiền nhưng tỉ giá không tốt bằng ở sân bay, ngân hàng hoặc các quầy đổi tiền trong thành phố
Giá vé tàu không bao bữa ăn nên bạn cần chuẩn bị trước đồ ăn hoặc mua từ những người bán hàng rong trên tàu (Giá cả mình không rõ vì mình chưa thử).

Trạm cuối cùng Hua Lumpong - Ngay bên trên là ga tàu hỏa trung tâm Bangkok

Mặt tiền nhà ga BKK
Bên trong ga tàu, các nhà sư ở đây rất được coi trọng, được dành riêng một khu ngồi chờ

Quán phở của một chú người Việt



Trên tàu dành riêng một khu cho các nhà sư

 Những bốt điện thoại cổ kính tại nhà ga

 Khoang tàu rất vắng

 Bình minh trên tàu

 Cách trang trí bằng 2 lá cờ rất phổ biến tại các nhà ga Thái

 Một trong rất nhiều ngôi chùa bên đường


 Chuẩn bị cán đích, yoo :D :D :D

 Ga cuối - Chiang Mai

Bên ngoài ga



About

Anybooks.vn

Popular Posts