Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Kitchen thể hiện đúng tinh thần của những con người Nhật Bản: tinh tế, khoan thai, nhẹ nhàng, sâu sắc và giàu lòng nhân ái. 

Kitchen (tác giả Banana Yoshimoto)

"Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp" - Kitchen đã mở đầu bằng một câu văn như thế, và tôi ngỡ rằng mình sẽ được đọc một cốt truyện về tình yêu mãnh liệt dành cho nơi chốn ấy. Nhưng không, điều để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt sâu sắc lại là câu chuyện về những con người và cách mà họ nương tựa vào nhau để cùng vượt qua nỗi đau khi mất đi người mình thương yêu. 

 Chỉ hơn 200 trang viết của Kitchen nhưng đã dẫn tôi trải qua tới 6 cuộc mất mát và suy sụp: Đó là cảm giác cô đơn sau cái chết của người bà của cô bé Mikage, đó là cú sốc sau sự ra đi của người vợ hết mực yêu thương của Eriko, là nỗi tuyệt vọng đến trống trải của Yuchi Tanabe sau cái chết lạnh lùng bất ngờ của người mẹ lạ kỳ, hay cảm giác trống rỗng của Hiiragi khi cùng lúc mất đi cả người bạn gái và người anh trai thân thiết...Nhiều người sẽ nghĩ rằng Kitchen thật buồn thảm nhưng đối với riêng tôi Kitchen buồn bã nhưng từ chối bi lụy, trong đó ta dễ dàng nhận ra bên cạnh sự ưu tư mẫn cảm, sự cô đơn là niềm khát khao sống của tuổi trẻ. Nó cứ len lỏi trong tâm hồn của từng nhân vật, giúp họ đứng vững trước những nghiệt ngã của cuộc đời. Có thể khẳng định rằng nhà văn Yoshimoto đã thành công khi tái hiện lại cuộc đấu tranh day dứt giữa cảm giác cô đơn, trống trải sau mỗi mất mát và nỗ lực sống tiếp, sống có ý nghĩa của những người ở lại.

 Đọc Kitchen ta dễ dàng đồng cảm với những nỗi đau mà các nhân vật trải qua bởi chắc hẳn trong cuộc đời mình, ai cũng từng trải qua những nỗi đau tương tự như thế. Có cảm giác rằng họ nói về sự mất mát đó với một thái độ thật nhẹ nhàng nhưng thấm thía, nỗi đau len lỏi mức nhiều khi nó biến người ta trở nên đờ đẫn, vô cảm:
"Ờ, mà hồi bà mất, Mikage cũng gần như kiệt sức còn gì. Bây giờ mình mới nhớ lại thật rõ. Có những lúc xem ti vi, Mikage bỗng chợt hỏi: Cái vừa rồi nghĩa là sao nhỉ, mình nhìn lên Mikage trên chiếc ghế sofa thì thấy khuôn mặt Mikage vô hồn, nét mặt ấy như nói rằng Mikage đang chẳng suy nghĩ điều gì cả. Giờ đây mình mới hiểu tại sao."
Cái cảm giác chỉ còn một mình trên cõi đời, không người thân thích, không ai quan tâm quả thực là một cảm giác không hề dễ chịu. Điều đó khủng khiếp đến nỗi nó khiến người ở lại cũng thấy rằng cái chết giờ đây chẳng có gì đáng sợ :"Giống hệt loài sâu bọ,... Những người mình yêu rồi sẽ ra đi hết. Vậy mà vẫn phải sống". Vậy đấy, đôi khi lựa chọn sống cũng cần can đảm. Và những nhân vật trong Kitchen, sau sự suy sụp, sự lẻ loi, trống trải...đã tìm được lối thoát trong chính suy nghĩ của mình :"Xác suất lặp lại của những chuyện mà ta luôn sợ rằng nó sẽ đến là không hề thay đổi. Ta không thể tự mình quyết định được điều đó. Thế nên, chi bằng quyết tâm làm cho những chuyện khác trở nên vui vẻ có phải tốt hơn không?..." 

 Không chỉ thấy khâm phục nghị lực của những nhân vật trong câu chuyện mà Kitchen còn để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp về cách con người đối xử với nhau. Họ dẫu ban đầu chỉ là những con người hoàn toàn xa lạ nhưng lại tìm được sự đồng cảm khi cùng bị mất đi những người thương yêu nhất. Nhờ có sự tốt bụng của gia đình Tanabe mà cô bé Mikage mới có thể vượt qua được nỗi đau mất đi người bà thân yêu, cũng nhờ đó mà cô có thể theo đuổi niềm say mê nấu nướng của mình. Ngược lại, nhờ sự hiện diện của Mikage trong căn bếp nhỏ của gia đình mà hai mẹ con Yuchi Tanabe mới có được những giây phút quây quần bên nhau và trải qua một mùa hè tuyệt vời. Vậy đấy, từ những người xa lạ, giữa họ đã nảy sinh những tình cảm mà có lẽ chỉ có thể thấy được trong những gia đình thực sự hạnh phúc. Và chính Mikage cũng từng khẳng định:
"Một ngày nào đó, rồi tôi sẽ thấy da diết nhớ nơi này từ một phương trời khác?
Hay sẽ có một ngày, tôi lại được trở về đứng trong căn bếp ấy?
Nhưng dù sao thì lúc này đây, tôi vẫn đang ở cùng với bà mẹ giỏi giang và cậu con trai có đôi mắt thật hiền. Như thế là đủ"
Rõ ràng, đối với Mikage lúc này, cô không còn cô đơn một mình trên thế gian này, bởi cô biết luôn có một nơi chốn dành cho cô, đó là căn bếp ấm cúng nhà Tanabe cùng những con người yêu thương cô, lo lắng cho cô mà giờ đây cô đã coi như những người thân trong gia đình.

 Cũng giống như hình ảnh căn bếp cứ trở đi trở lại trong từng câu chữ, giản đơn nhưng ấm áp, cuốn sách cũng để lại dư âm trong tôi với ngọn lửa ấm của tình người, của nghị lực sống, của tính nhân văn và cả sự tỏa sáng trong văn phong của tác giả Yoshimoto. Không quá khó hiểu khi giữa hàng nghìn, hàng vạn đầu sách khác nhau nhưng Kitchen lại được Bộ Ngoại giao Nhật Bản chọn làm quà tặng cho các đoàn đại biểu ngoại quốc tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 1993. Bởi nó thể hiện đúng tinh thần của những con người Nhật Bản: tinh tế, khoan thai, nhẹ nhàng, sâu sắc và giàu lòng nhân ái. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

About

Anybooks.vn

Popular Posts